Viêm đường hô hấp trên: Nguyên nhân, Triệu chứng?

Các bệnh do viêm đường hô hấp trên thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa hanh khô, mùa lạnh và thường tái phát nhiều lần. Trẻ em, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém… là những đối tượng dễ mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp trên.

 

Viêm đường hô hấp trên là gì?

 

Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm ở các bộ phận thuộc đường hô hấp trên bao gồm: mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản. Là những bộ phận có chức năng lấy không khí từ bên ngoài cơ thể, làm ấm, sưởi ấm và lọc khí trước khi đưa vào phổi. Hệ hô hấp bắt đầu từ cửa mũi trước nên cơ quan này vô cùng nhạy cảm khi tiếp xúc với mọi điều kiện bất lợi từ môi trường, kể cả vi khuẩn, nấm mốc… do đó dễ mắc bệnh.

Viêm đường hô hấp trên là tổng hợp nhiều bệnh lý khác nhau như: cảm lạnh, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản… Những đối tượng dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là trẻ em, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, người bị bạch cầu…

 

Viêm đường hô hấp trên là bệnh dễ mắc và tái diễn nhiều lần trong năm. Mỗi năm trẻ em có thể bị viêm đường hô hấp trên khoảng 10 lần. Người trưởng thành có thể mắc phải bệnh này từ 2 – 4 lần/năm. Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, người bệnh có thể gặp các vấn đề nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em có thể bị viêm phổi, viêm phế quản dẫn đến suy hô hấp…

 

Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên

 

Viêm đường hô hấp trên nhìn chung có nguyên nhân từ sự xâm lấn trực tiếp của các virus hoặc vi khuẩn vào niêm mạc của đường hô hấp trên. Để điều này có thể xảy ra, các tác nhân gây bệnh cần phải vượt qua một số hàng rào vật lý và miễn dịch của cơ thể.

 

Lớp lông trên niêm mạc mũi là hàng rào đầu tiên để bẫy các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra lớp dịch nhầy trong lòng mũi cũng giúp bắt giữ vi khuẩn và virus. Tổ chức nhung mao ở phế quản sẽ di chuyển ngược lên phía hầu họng để tống các tác nhân lạ xâm nhập vào đường tiêu hóa.

 

Ngoài hàng rào vật lý hoạt động liên tục, hệ miễn dịch cũng góp phần bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân xâm nhập vào đường hô hấp trên. VA và amidan đều là những bộ phận của hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại virus và vi khuẩn. Thông qua các hoạt động của các tế bào chuyên biệt, kháng thể và các chất có trong hạch bạch huyết sẽ tấn công tiêu diệt các vi sinh vật xâm nhập.

 

Tuy nhiên các virus và vi khuẩn xâm nhập cũng có những cơ chế chống lại các hàng rào của cơ thể. Chúng có thể sản sinh ra các chất độc để điều chỉnh hệ thống phòng ngự của cơ thể, hoặc biến đổi hình dạng, cấu trúc protein bao bọc bên ngoài để tránh bị phát hiện bởi hệ miễn dịch (thay đổi tính kháng nguyên). Các tác nhân khác nhau có rất nhiều cơ chế phong phú để vượt qua hàng rào của cơ thể người và gây bệnh.

 

Ngoài ra các tác nhân gây bệnh khác nhau cần khoảng thời gian khác nhau từ lúc chúng xâm nhập cơ thể cho đến lúc gây ra các triệu chứng lâm sàng (thời gian ủ bệnh): virus cúm hoặc á cúm cần 1-4 ngày, RSV cần 7 ngày, vi khuẩn bạch hầu cần 1-10 ngày…

 

Triệu chứng của viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên được chia thành 2 loại: viêm đường hô hấp trên cấp tính và viêm đường hô hấp trên mạn tính.

 

Viêm đường hô hấp trên cấp tính

 

Bệnh thường xảy ra khi có một số yếu tố thuận lợi tác động vào như thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh; uống nước quá lạnh hoặc nước đá, kem; nằm, ngồi trước luồng gió lạnh của quạt hoặc điều hòa nhiệt độ…

 

Triệu chứng gặp đầu tiên là sốt (có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao kèm theo rét run), kèm theo sốt là ho, hắt hơi và chảy nước mũi. Cơn ho có khi chỉ húng hắng, có khi ho liên tục. Bệnh nhân là người lớn hoặc trẻ em lớn còn có triệu chứng bị đau họng khi nuốt, khi ăn. Chảy nước mũi là triệu chứng hay gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

 

Viêm đường hô hấp trên mạn tính

 

Khi bị viêm đường hô hấp trên cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ dàng chuyển thành viêm đường hô hấp mạn tính.

 

Triệu chứng của viêm đường hô hấp trên mạn tính là ho húng hắng, rát họng, nuốt thấy hơi vướng như có vật gì nằm trong họng, đặc biệt ở trẻ em là chảy nước mũi thường xuyên (một hoặc cả hai bên mũi). Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh thì chất nhày chảy ra ở mũi thường có màu xanh mà người ta hay gọi là “thò lò mũi xanh”. Ngoài thò lò mũi xanh, trẻ ngủ thường ngáy, thở bằng mồm.

 

Ở người lớn, ngoài triệu chứng điển hình là rát họng, nuốt vướng còn có nghẹt mũi (một bên hoặc cả hai) do hiện tượng phì đại cuốn mũi… Trong những trường hợp viêm xoang thường có kèm theo triệu chứng đau đầu…

Các biến chứng của viêm đường hô hấp trên

 

Viêm đường hô hấp trên là một bệnh thông thường lành tính và có khả năng điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nhiều người do chủ quan, tự điều trị tại nhà không theo chỉ định của bác sĩ mà người bệnh có thể sẽ gặp những biến chứng nguy hiểm.

 

Viêm đường hô hấp trên có 3 dạng hình thái chính đó là: viêm họng, viêm mũi và viêm xoang. Các biến chứng nặng hay nhẹ sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh của từng người.

 

Nếu bị viêm mũi, ban đầu chỉ là các triệu chứng nhẹ như hắt hơi, sổ mũi. Sau đó dịch nhầy sẽ đặc lại gây khó thở, nghẹt mũi. Nếu không có biện pháp điều trị nhanh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, sóng điện não bị xáo trộn gây suy giảm trí nhớ.

 

Nếu bị viêm xoang, ban đầu người bệnh sẽ bị đau đầu, sốt cao. Khi bệnh tiến triển nặng hơn sẽ gây ra các biến chứng như thị lực giảm, nhiễm trùng ổ mắt, viêm não, tắc mạch xoang hang…

 

Đối với viêm họng, đây là bệnh không nguy hiểm và dễ dàng điều trị dứt điểm. Tuy nhiên với tính chủ quan nên nhiều người thường để bệnh diễn tiến nặng dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như áp xe họng, viêm thanh quản, viêm hạch bạch huyết, nhiễm trùng huyết…

 

Đối với trẻ em, khi bị nhiễm bệnh đường hô hấp trên nếu không điều trị kịp thời rất dễ dẫn tới viêm đường hô hấp dưới với biểu hiện như: khó thở, thở rít, thở nhanh, viêm phổi, viêm phế quản… Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm màng não, viêm tim, viêm cầu thận…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *